Trang

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ Núi

Nằm trên mỏm núi Bông ở trung tâm thành phố Nha Trang, nhà thờ Núi là công trình kiến trúc ấn tượng được xây dựng bằng bê tông và gạch kẻ chỉ từ năm 1928 tới năm 1933.

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

Biệt thự phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội

Biệt thự phong cách Địa phương Pháp bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 và đặc biệt phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20. Những biệt thự đầu tiên thường là của gia đình các quan chức và sĩ quan Pháp, sau đó là những người Pháp sang Việt Nam làm ăn, sinh sống. Chủ nhân của các biệt thự này có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương khác nhau ở Pháp và do tâm lý nhớ quê hương (nostalgie) mà họ mong muốn được sống trong ngôi nhà giúp họ nhớ lại quê hương bản quán.

Ảnh 1: Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp trên phố Quan Thánh 
Những kiến trúc sư Pháp thời kỳ đầu như Moncet, Jacques, Lagisquet, Léonard.....cũng mới từ Pháp sang và họ sẵn sàng thiết kế  những ngôi nhà mang phong cách địa phương khác nhau ở Pháp nhằm thỏa mãn mong muốn của các chủ nhân biệt thự. Các kiến trúc sư này có xu hướng đưa phong cách kiến trúc bản địa Pháp vốn có đặc diểm khác nhau theo vùng miền, mang tính độc đáo về thẩm mỹ và phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của địa phương đó.

Dây chuyền công năng của các biệt thự phong cách Địa phương Pháp thời kỳ đầu rất hoàn chỉnh và ở mức độ tiện nghi cao.

Ảnh 2: Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Khúc Hạo  
Các biệt thự thường có hai khối nhà chính và phụ với diện tích chiếm khỏang một nửa diện tích khu đất, phần còn lại là sân vườn với hệ thống cây xanh phong phú về chủng loại, từ loại cây thấp thân thảo đến loại cây thân mộc có độ cao lớn. Đường ra vào và lối đi quanh biệt thự được bố trí một cách có cân nhắc, đường xe chạy rộng rãi và thẳng, kết hợp với các đường đi bộ nhỏ có trang trí bằng gạch trần và cây xanh hai bên, trong một số biệt thự sang trọng, các đường đi còn được trải sỏi trên bề mặt.
Nhà chính hai tầng được đặt trên một tầng hầm cách nhiệt có độ cao khá lớn. Tầng một bố trí tiền phòng, chính sảnh, các phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt gia đình có diện tích khá lớn. Ngoài ra còn có thể có phòng làm việc, thư viện gia đình. Tầng hai bố trí các phòng ngủ cho bố mẹ và con cái, phòng ngủ lớn thường có khu vệ sinh riêng rộng rãi với trang thiết bị sang trọng được đưa từ Pháp sang.
Khối nhà phụ một tầng đặt cách nhà chính một khoảng sân và áp vào tường vào phía sau biệt thự. Trong khối nhà này được bố trí nơi để xe, bếp, kho, phòng ở cho các gia nhân và khu vệ sinh dành cho họ. Cổng, hàng rào cũng được thiết kế rất chi tiết, thường được cấu tạo bằng thép uốn với các hoạ tiết trang trí phù hợp với ngôi nhà, kết hợp với các trụ và phần dưới tường rào xây gạch.
Trong khi dây chuyền công năng của các biệt thự phong cách Địa phương Pháp không có nhiều khác biệt, thì phong cách kiến trúc của chúng lại rất khác nhau tuỳ theo suất xứ của chủ nhân chúng.

Ảnh 3: Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Điện Biên Phủ

Biệt thự phong cách miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp (vùng Normandie và Bretagne) được đặc trưng bởi hệ mái đa diện có độ dốc lớn để tuyết không thể đọng trên mái, rất phù hợp với khí hậu lạnh lẽo về mùa đông ở vùng này. Phần mái nhô ra khỏi tường khá rộng được đỡ bởi hệ con sơn (console) gỗ nhẹ nhàng. Trên mái được tô điểm thêm bởi những tháp nhỏ hoặc ống khói cao làm tăng phần duyên dáng của bộ mái. Thân nhà trang trí đơn giản và nhấn mạnh theo chiều đứng, với sự phân chia các thành phần chính phụ rất rõ ràng, độ cao tầng khá lớn. Hệ thống các ban công, cửa sổ cao và hẹp, thường kết thúc bằng cuốn vòm trang trí đơn giản, phía trên đôi khi có mái nhỏ để tránh mưa nắng. Hệ thống các họa tiết trang trí giản dị nhưng tinh tế và thường được lặp lại trên các tầng nên mang tính thống nhất cao.
Nhìn chung các biệt thự mang phong cách kiến trúc miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp trông bề thế, uy nghi, phong cách trang trí đơn giản nhưng mang tính thẩm mỹ cao. Những biệt thự này thường được xây dựng trong những khuôn viên rộng, nhiều cây cối nên sự xuất hiện nổi bật phần trên của chúng, đặc bịêt là bộ mái, phía trên các tán lá của khu vườn càng làm tăng giá trị thẩm mỹ của dạng biệt thự này (xem ảnh 1,2).

Ảnh 4: Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Điện Biên Phủ - Chu Văn An 

Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp và vùng Paris (Région parisienne) có hệ mái có độ dốc vừa phải nhưng có bộ diềm và hệ thống con sơn gỗ được trang trí cầu kỳ, mảng tường đỡ mái được trang trí cẩn thận bởi nhiều họa tiết và màu sắc đa dạng. Bản thân các con sơn gỗ thanh mảnh, được tiện khắc công phu và kết nối với nhau một cách độc đáo, cùng phần mái vát chéo đầu sơn tường tam giác chính là một yếu tố làm tăng giá trị thẩm mỹ của ngôi nhà. Hệ thống mặt tiền phi đối xứng được cấu thành bởi các yếu tố kiến trúc được bố trí theo phương đứng. Trên tường không nhiều các họa tiết trang trí, nhưng phía trên các cửa sổ và cửa ban công thì được trang trí rất tinh xảo bằng các loại vật liệu khác nhau như gạch trần, gốm men hoặc phun vữa xi măng quét màu. Hệ thống cửa sổ và cửa ban công chiếm tỷ lệ lớn hơn trên mặt đứng so với các biệt thự mang phong cách miền Bắc và thường được kết thúc bằng cuốn vòm ở tầng 2. Hệ ban công xuất hiện ở nhiều biệt thự vừa mang ý nghĩa sử dụng, vừa góp phần làm phong phú cho mặt đứng loại biệt thự này. Ở một số biệt thự còn bố trí một “ phòng trà” trên mái trông như một tháp nhỏ lắp cửa kính bốn phía, là nơi tụ họp bạn bè, gia đình khi đẹp trời, đồng thời làm cho hình khối không gian của biệt thự  thêm sinh động.
Hình khối không gian kiến trúc phi đối xứng với hệ thống cửa mở tương đối rộng và được trang trí cầu kỳ bằng màu sắc và họa tiết mang sắc thái gần gũi hơn với con người  là những nét đặc trưng của các biệt thự phong cách kiến trúc miền Trung nước Pháp (xem ảnh 3,4,5).

Ảnh 5: Phòng trà trên mái một biệt thự trên phố Hoàng Diệu 

Biệt thự phong cách miền Nam nước  Pháp và Địa Trung Hải (Méditeranée), nơi có khí hậu ôn hòa nhất nước Pháp, có bộ mái ngói có độ dốc khá nhỏ với những ống khói thấp. Hình khối kiến trúc các biệt thự loại này khá phong phú  với nhiều giật cấp trên mặt đứng do sự bố trí các phòng kính và ban công phía trước. Một đặc trưng nét nổi bật của kiểu nhà vùng Địa Trung Hải là lối vào mở rộng về phía trước làm tăng tính “hiếu khách” và vẻ tao nhã của ngôi nhà . Hệ thống của ban công, cửa sổ mở rộng theo chiều ngang, phía trên cửa tầng hai thường là hình thức cuốn vòm và được trang trí khá cầu kỳ bởi những hoa văn đắp nối. Những hàng hiên rộng mở kết hợp với các trụ gạch đỡ dàn hoa bê tông cũng là nét duyên dáng  riêng của biệt thự loại này. Hệ thống các họa tiết trang trí được thống nhất từ cửa vào chính qua các hàng cột, dàn hoa trên hàng hiên, phía trên các cửa tầng hai, tới điểm trang trí  dưới mái tạo ra sự sang trọng và tao nhã cho ngôi nhà.
Phải nói rằng loại biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp với hệ thống cửa mở rộng kết hợp với hàng hiên, ban công mặc dù là một mẫu hình kiến trúc được đưa nguyên xi từ Pháp sang nhưng lại khá thích hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu Hà Nội, có điều hơi đáng tiếc là không có nhiều biệt thự loại này được xây dựng và tồn tại nguyên gốc cho đến nay ở Thủ đô (xem ảnh 6).

Ảnh 6: Biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Hùng Vương

Nhận xét:
- Biệt thự phong cách Địa phương Pháp  ở Hà Nội có dây chuyền công năng và hình thức kiến trúc được mang tới từ các vùng miền khác nhau của nước Pháp phản ánh tâm lý  nhớ quê hương  của các chủ nhân của chúng.
- Mặc dù có tên chung là Phong cách Địa phương Pháp, nhưng phong cách kiến trúc các biệt thự này cũng có nhiều điểm khác biệt, đôi khi là rất lớn, qua đó chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc kiến trúc của chúng thuộc miền Bắc, miền Trung hay miền Nam nước Pháp, những nơi có đặc điểm tự nhiên và khí hậu khác nhau.
- Mang phong cách kiến trúc của các địa phương khác nhau của nước Pháp, nhưng khi được xây dựng trong cảnh quan thiên nhiên và đô thị Hà Nội, những biệt thự này dường như trở nên duyên dáng hơn và chúng đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời, một di sản kiến trúc - cảnh quan đô thị của Hà Nội.

Biệt thự kiểu Art Deco ở Hà Nội

Trong quá trình kiếm tìm những hình thức kiến trúc mới đầu thế kỉ 20 nhằm thoát ly khỏi Chủ nghĩa Cổ điển đã đã ngự trị kiến trúc thế giới trong suốt hơn 400 năm trước đó, chủ thuyết Art Deco đóng một vai trò quan trọng. Ảnh hưởng của kiến trúc Art Deco đã thoát ly ra khỏi phạm vi một quốc gia hay một châu lục, những phương cách biểu hiện của Art Deco cũng không chỉ giới hạn ở những công trình kiến trúc thông thường mà còn vươn tới những toà nhà chọc trời ở Mỹ, một biểu tượng của công nghệ xây dựng mới nhất thời bấy giờ.

Ảnh 1: Biệt thự trên phố Đặng Dung
Mặc dù mang danh Art Deco và chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu kiến trúc trước đó như lập thể, trừu tượng, biểu hiện..., kiến trúc Art Deco không tự giới hạn mình vào các hình thức trang trí đơn thuần mà khẳng định tính tiên phong của mình bằng những khối hình học kinh điển trong bố cục không gian. Những băng cửa rộng chạy theo chiều ngang hay chiều dọc trên mặt đứng kết hợp với các hình thức trang trí bằng thép uốn hay việc sử dụng màu sắc cũng là những phương cách biểu hiện mới của Art Deco.

Ảnh 2: Biệt thự trên phố Chu Văn An
Hà Nội những năm 1930 dưới thời thịnh trị của chủ nghĩa thực dân Pháp, bản qui hoạch đầu tiên của kiến trúc sư E. Hébrard đã bắt đầu hình thành trên thực địa với những với những đại lộ, những con phố mang đậm phong cách Pháp. Mặt đường trải nhựa thẳng tắp, vỉa hè rộng rãi với hai hàng cây xanh, thật khác xa những con đường chật chội trong khu phố cũ. Những lô đất ở đây tiếp tục được lấp đầy bởi các biệt thự, những lô lớn có diện tích tới 5 - 700 m2, thậm chí hàng nghìn m2 phân bố ở khu vực quận Ba Đình và một phần quận Hoàn Kiếm hiện nay, những lô đất nhỏ hơn cỡ 2 - 400 m2 phân bố ở khu vực phía dưới quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng hiện nay.

Ảnh 3: Biệt thự 2 tầng trên phố Lý Thường Kiệt
Kiến trúc biệt thự trên các lô đất này cũng bắt đầu thay đổi. Nhà mái dốc theo phong cách địa phương miền bắc nước Pháp rõ ràng là không thích hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Nhà theo phong cách Tân cổ điển với những hình thức trang trí rườm rà lại càng không thích hợp. Việc tìm tòi một hình thức nhà ở mới thích hợp với khí hậu địa phương trở nên cấp thiết, và những biệt thự theo phong cách Art Deco với những cải biên cho phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam tỏ ra rất thích hợp trong giai đoạn này.

Ảnh 4: Một biệt thự trên phố Chu Văn An bị thêm vào tầng mái một cách tuỳ tiện / Ảnh 5: Chi tiết dàn hoa trên mái

Biệt thự kiểu Art Deco ở Hà Nội có thể được chia thành hai loại theo dây chuyền công năng. Loại công năng hoàn chỉnh - hợp khối và loại công năng không hoàn chỉnh - phân tán. Loại biệt thự công năng hoàn chỉnh thường do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng trên những lô đất có diện tích lớn của các chủ nhân người Pháp hoặc quan lại người Việt (ảnh 1, 2, 3). Loại công năng không hoàn chỉnh và phân tán được xây dựng ở những lô đất có diện tích nhỏ hơn và chủ nhân là người Việt (ảnh 4). Điều này cũng giải thích cho việc bố trí khối nhà phụ tách ra khỏi khối nhà ở rất gần gũi với kiến trúc nhà ở cổ truyền Việt Nam, nó tạo ra một hình thức kiến trúc Hoà trộn (mixte) giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt.

Ảnh 6: Chi tiết trang trí lồng cầu thang / Ảnh 7: Chi tiết trang trí cầu thang chính

Về bố trí mặt bằng thì loại biệt thự công năng hoàn chỉnh – hợp khối thường có 3 tầng: Tầng 1 (tầng trệt) bố trí nhà  xe rộng có thể để được tới 2 xe hơi, bếp, phòng ở gia nhân cho nhiều người, khu vệ sinh, kho… có chiều cao tương đối thấp (khoảng 3 m), tầng này còn có tác dụng ngăn cách sàn tầng ở tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, ngăn cản hữu hiệu hiện tượng đọng sương trên mặt sàn thường xảy ra trong điều kiện thời tiết ẩm ướt vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân ở Hà Nội. Tầng 2 bố trí phòng khách lớn, phòng sinh hoạt gia đình, giữa hai phòng này thường được liên hệ bằng một cửa đi rộng, phòng ăn bố trí gần cầu thang nội bộ để thuận tiện cho việc đưa đồ ăn từ bếp lên. Tầng 3 là các phòng ngủ trong đó phòng ngủ chính có cửa đi trực tiếp vào khu vệ sinh. Trên tầng thượng thường có một “phòng trà” diện tích khoảng trên chục m2, cửa sổ mở rộng ra các phía, được tổ chức như một nơi tụ tập các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè ăn uống nhẹ vào những buổi tối đẹp trời. Giao thông theo chiều đứng ngôi nhà được đảm trách bởi hai cầu thang, cầu thang chính rộng tới khoảng 2m dẫn từ sân trước lên phòng khách, lan can cầu thang được xây bằng gạch và trang trí rất tinh tế bằng hoa văn hoặc các chậu cây cảnh (ảnh 7). Cầu thang nội bộ bố trí phía trong nhà có chiều rộng nhỏ hơn và thông từ tầng 1 lên tầng thượng.

Ảnh 8: Chi tiết trang trí lan can
Loại biệt thự công năng không hoàn chỉnh - phân tán thường có khối nhà chính 2 tầng: Tầng 1 bố trí  phòng khách và phòng ăn có diện tích không lớn, tầng 2 bố trí các phòng ngủ, khu vệ sinh được tách thành hai phần xí tắm riêng biệt và phục vụ chung cho cả tầng, cầu thang bố trí trong nhà và liên hệ thẳng từ tầng 1 tới sân thượng. Khối nhà phụ nằm phía sau khối chính là nơi bố trí nơi để xe, kho, bếp, khu vệ sinh, phòng ở gia nhân và liên hệ với khối nhà chính qua sân trong.
Về tổ hợp hình khối không gian thì biệt thự Art Deco ở Hà Nội thường sử dụng các khối hình vuông hoặc chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với các khối hình bán nguyệt là nơi bố trí lồng cầu thang tạo thành một hình thức kiến trúc mang tính hiện đại và giản dị.
Ngôn ngữ trang trí chủ đạo của biệt thự Art Deco là sử dụng các đường cong làm bớt đi vẻ thô nặng của các khối hình hộp. Vật liệu trang trí chủ yếu là thép uốn với nhiều hình thức phong phú, đôi khi những mảng phù điêu bằng thạch cao hoặc xi măng cũng được sử dụng, kính màu thì chỉ có lác đác ở một vài công trình. Phần mái được tô điểm thêm bởi dàn cây bằng bê tông cốt thép và những hoạ tiết trang trí bằng vữa đắp. Ở những biệt thự lớn thì dàn cây xanh còn được bố trí ở sân vườn hoặc ngay tại sảnh tầng 2 (ảnh 5 và 10).

Ảnh 9: Chi tiết trang trí cửa đi / Ảnh 10: Chi tiết trang trí sân vườn

Phần mái bằng được cấu tạo đặc biệt để phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam cũng là một trong những đặc trưng quan trọng của biệt thự Art Deco ở Hà Nội. Mái được cấu tạo bởi hai lớp bê tông cốt thép đổ tại chỗ cách nhau khoảng 0,4 đến 0,6 m, giữa hai lớp này là các lỗ thoáng được đặt ở hai phía đối diện hoặc ở cả 4 phía của ngôi nhà, bên ngoài được trang trí bằng cả chất liệu và mà sắc rất thú vị. Cũng do cấu tạo mái bằng ở kiểu biệt thự này mà lần đầu tiên khái niệm sân thượng được đưa vào kiến trúc nhà ở Việt Nam. Sân thượng cho phép người ở có được những hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên vào buổi sáng và buổi tối ngay tại nhà mình, một điểm rất đáng lưu ý trong cuộc sống đô thị. 
Biệt thự Art Deco ở Hà Nội là một phần của di sản kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc, tuy nhiên số lượng biệt thự còn giữ nguyên được dáng dấp ban đầu còn rất ít, chủ yếu là ở khu vực ngoại giao đoàn, đa phần các biệt thự do người Việt Nam ở đã biến dạng và xuống cấp trầm trọng. Do sự thiếu hiểu biết về các đặc trưng của Art Deco nên trong nhiều trường hợp cải tạo hoặc phục dựng một số biệt thự, các nhà thiết kế đã đưa vào những chi tiết kiến trúc rườm rà, xa lạ với phong cách Art Deco, làm hỏng những ngôn ngữ biểu cảm của loại biệt thự này. Thành phố cũng cần có những sách lược nhằm giữ cho di sản biệt thự Art Deco không “biến mất” trong tương lai gần vì đa số các biệt thự đều đã có tuổi thọ trên 70 năm.

Kiến trúc nhà công cộng phong cách Art Deco ở Hà Nội

Năm 1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, nước Pháp ra khỏi cuộc chiến với tư cách người thắng trận, song trên thực tế, kinh tế Pháp đã suy thoái nghiêm trọng, vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế cũng bị lung lay. Do vậy, một chương trình khai thác thuộc địa trên quy mô rộng lớn nhằm khôi phục nền kinh tế và địa vị của nước Pháp trên trường quốc tế đã được thông qua năm 1921.
Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp cùng một số doanh nghiệp nhỏ của người Hoa, người Việt cũng ra sức đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch, nhà máy, xí nghiệp. Số lượng người Pháp tới đây làm việc ngày càng nhiều nên một số trường học, bệnh viện nhà hàng cũng được xây thêm.
Cùng trong thời gian này, ở Pháp và Châu Âu đang thịnh hành một trào lưu kiến trúc mới dựa trên cơ sở thẩm mỹ lập thể, sử dụng chủ yế những khối hình kinh điển trong bố cục không gian, bài bác tính đối xứng nghiêm ngặt và sự rườm rà trong các chi tiết của kiến trúc Tân Cổ điển đang rất thịnh hành trước đó. Ý tưởng thiết kế mới này hoàn toàn phù hợp với những công trình kinh tế mang tính công năng cao, nên nhanh chóng có được  sự đón nhận nhiệt tình của các nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội lúc bấy giờ. 

Ảnh 1: Nhà in IDEO (nay là trung tâm văn hoá Pháp l’Espace) 
Trong những năm 1920 – 1930, rất nhiều công trình công cộng lớn theo phong cách Art Deco được xây dựng ở Hà Nội: Nhà in IDEO, Trụ sở công ty AVIAT, trụ sở Crédit Foncier, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, trụ sở Phòng Thương mại (Chambre du Commerce), nhà thương René Robin, nhà hàng Godard....
Năm 1907, nhà máy in IDEO bắt đầu được xây dựng, ban đầu đó chỉ là một xưởng in một tầng trên phố Paul Bert (nay là phố Tràng tiền), đến những năm 1920 một toàn nhà 6 tầng được xây dựng ở vị trí phía ngoài xưởng in giáp mặt phố, tới lúc này công năng của một nhà máy in mới hoàn chỉnh. Tầng 1 là xưởng đặt máy móc và kho giấy với mặt bằng được trải rộng về phía sau toà nhà, các tầng trên bố trí các phân xưởng phù trợ như sắp chữ, sửa bản in và bộ phận hành chính.
Toà nhà chính của nhà in IDEO là một tác phẩm kiến trúc hiện đại đầy ấn tượng với thời bấy giờ. Nhà bố cục kiểu đăng đối với khối giữa 6 tầng, hai bên là 2 khối nhà 5 tầng. Tầng 1 gồm sảnh chính, lối tiếp cận cho xe ra vào, toàn bộ không gian còn lại mở rộng và tạo ra một không gian liên tục với khu xưởng phía sau toà nhà. Cửa kính chiếm diện tích chủ đạo trên mặt đứng, được phân vị theo phương ngang ở khối trung tâm và theo phương đứng ở hai khối phụ. Tuy nhiên có thể vì đây là công trình công cộng đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội nên những giải pháp thích ứng khí hậu nhiệt đới chưa được chú trọng đầy đủ.
Với chiều cao 6 tầng, toà nhà IDEO được coi là công trình kiến trúc cao nhất Hà Nội thời Pháp thuộc, kỉ lục này còn được giữ tới tận thập kỷ 1990 khi khách sạn Hà Nội cao11 tầng đi vào hoạt động.

Ảnh 2: Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (thiết kế ban đầu) 
Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Hà Nôi được đặt ở vị trí rất đắc địa, nằm án ngữ đồng thời cũng là điểm kết thúc trục vườn hoa Paul Bert đặt vuông góc với Hồ Hoàn Kiếm. Thiết kế ban đầu do KTS Félix Dumail hoàn thành năm 1928 theo phong cách Tân Cổ Điển để có được sự hoà hợp với phong cách kiến trúc các toà nhà nằm hai phía của trục quy hoạch này như Toà Thị chính, Kho bạc, Bưu điện, Phủ Thống Sứ. Tuy nhiên đến khi xây dựng vào đầu những năm 1930 thì hình thức kiến trúc công trình đã được KTS Georges Trouvé thiết kế lại theo phong cách Art Deco điển hình.
Cấu trúc toà nhà gồm 3 tầng: Tầng trệt xây tường rất dày, cửa sổ mở nhỏ là nơi bố trí các kho tiền, kim loại quý và các phòng phục vụ. Tầng một là không gian giao dịch thông tầng ở khu trung tâm với những vòm bê tông cốt thép lắp kính trên mái. Tầng hai gồm các phòng làm  việc bố trí ở ba phía bao lấy khối trung tâm. Cấu trúc nêu trên cho thấy công trình được thiết kế theo mô hình chủ đạo của các ngân hàng Pháp thời bấy giờ. 
Ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo của công trình là khối hộp hình học đơn giản với những ô cửa mạch lạc theo chiều đứng. Chính sảnh là một khối hình bán trụ được trang trí bằng các mảng tường hoa có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, phía trên là các khối hình tròn có bán kính nhỏ dần, thực chất để che một mái vòm có các lỗ kính lấy sáng được tổ chức theo hình tròn và hình tia rất thú vị. Toàn bộ hệ thống cửa sổ kính được bố trí lùi lại so với mặt tường ngoài để tránh ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, bên ngoài cửa kính có bố trí một hệ thống cửa cuốn gỗ di rộng để che nắng khi cần thiết nhưng khi cuốn lên thì ánh sáng tràn vào nhà qua các tấm kính lớn kết hợp với ánh sáng từ các vòm trần tạo ra một không gian giao dịch ngập tràn ánh sáng tự nhiên.

Ảnh 3: Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (nay là trụ sở Ngân hàng nhà nước) 
Dù thiết kế theo phong cách Art Deco điển hình, kiến trúc sư G. Trouvé cũng mang một phần thần thái của kiến trúc nhiệt đới Việt Nam vào toà nhà khi xử lý bộ mái đua rất rộng, phía dưới là một loạt các hoạ tiết trang trí mô phỏng các hoạ tiết Việt Cổ. Hệ thống tường hoa trang trí và che nắng ở chính sảnh cũng như hệ thống cửa cuốn che nắng là một biểu hiện sáng tạo của tác giả khi đặt một công trình Art Deco vào điều kiện khí hậu nhiệt đới của Hà Nội.
Với tỷ lệ hình khối hài hoà, phong cách xử lý mặt đứng mạch lạc, không gian nội thất tràn đầy ánh sáng, lại được xây dựng ở một vị trí đắc địa, Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương có thể được coi là công trình Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội. 
Trong những năm 1930, một công trình kiến trúc lớn trên đại lộ Francis Garnier (Phố Đinh Tiên Hoàng hiện nay), trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản cũng do KTS G. Trouvé thiết kế được xây dựng . Đây là một công trình thương mại điển hình với mặt đứng bám theo 3 mặt phố, trong đó có hai trục thương mại lớn của Hà Nội lúc bấy giờ là phố Paul Bert và đại lộ Francis Garnier nối với đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài). Toà nhà gồm 3 tầng, tầng 1 được xây trên toàn bộ diện tích khu đất hình chữ nhật với hệ lưới cột bê tông cốt thép tương đối lớn cho phép sử dụng làm nơi giao dịch với khách hàng. Hai tầng trên hình chữ U bám theo mặt phố theo dạng nhà hành lang giữa kết hợp hành lang bên bố trí các phòng làm việc. Giao thông theo chiều đứng bao gồm cầu thang chính và thang máy nhìn ra đại lộ F. Garnier, ngoài ra còn có 2 cầu thang phụ ở cuối hai cánh nhà, trong đó ở phía phố Paul Bert ngoài cầu thang bộ còn có một thang máy nhỏ.

Ảnh 4: Trụ sở Quĩ tín dụng bất động sản (nay thuộc bộ Công thương) 
Kiến trúc toà nhà cũng thể hiện rất rõ vai trò công năng. Lối ra vào chính khu giao dịch tầng 1 được đưa ra các ngã tư và ngã ba với sảnh đón rộng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của khách hàng, các cửa kính rộng mở ra đường phố kết hợp với hệ thống cửa trời lắp kính dạng nan chớp cho các khu vực này luôn sáng sủa và thông thoáng, phía trên có mái che rộng tới gần mép vỉa hè để khách hàng đi lại mà vẫn tránh được mưa nắng. Tầng 2 và tầng 3 là những cửa sổ lớn mở ra hành lang bên rộng 1,5m cho phép các phòng làm việc phía trong với hệ thống cửa rộng mở có thể đón được ánh sáng tự nhiên và gió mát từ hồ Gươm thổi vào. Các cửa sổ này đều được trang trí với liều lượng vừa phải nhưng rất tinh tế theo truyền thống Art Deco. Trên các cửa đều có tấm che nắng di động có thể điều chỉnh khi bị nắng chiếu, đặc biệt với mặt đứng phía Tây nhìn ra hồ Gươm. Kết thúc mặt đứng là hàng ô văng rộng tới 1,5m có hoạ tiết trang trí phía dưới, vừa tạo ra một sự kết thúc khoẻ khoắn vừa có ý nghĩa che nắng cho tường nhà. Trên mái là dàn hoa bê tông cốt thép chạy dài theo ba mặt phố tạo sự duyên dáng cho mái đồng thời mang lại khả năng che nắng cho mái. Sự hài hoà về mặt kiến trúc, tính khoẻ khoắn trong bố cục không gian, sự biến đổi mạnh về hình thức giữa các tầng, lại được đặt ở giữa trung tâm thương mại của Thành phố, có thể coi đây là công trình nhà làm việc, cửa hàng điển hình nhất ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.
Năm 1938, toà nhà trụ sở công ty sửa chữa ô tô AVIAT do kiến trúc sư F.A. Walker thiết kế được hoàn thành. Toạ lạc ở giao lộ giữa hai phố lớn của Hà Nội lúc bấy giờ là đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo) và đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền), toà nhà được bố cục theo hình chữ nhật bao lấy sân trong, tuy nhiên chỉ có ba mặt bám lấy các tuyến phố là bố trí các phòng làm việc, mặt còn lại chỉ bố trí cầu thang, công trình phụ. Chính sảnh của toà nhà quay ra đại lộ Gambetta nhưng toàn bộ lối tiếp cận cho xe cộ lại quay ra đại lộ H.Rivière. Tầng 1 chỉ bố trí một số phòng làm việc của nhân viên ở phía trước toà nhà, toàn bộ phần còn lại là một không gian liên thông, phía trên là hệ vì kèo thép lợp tôn và kính để lấy được ánh sáng tự nhiên. Các phòng làm việc được bố trí trên tầng 2 và tầng 3 với bố cục hành lang giữa ở cánh nhà chính hướng ra đại lộ Gambetta, hai cánh phụ được bố cục theo kiểu hành lang bên. Liên hệ giữa các tầng ngoài cầu thang chính đặt ở chính sảnh còn có hai thang phụ ở cuối hai cánh nhà.

Ảnh 5: Trụ sở công ty AVIAT (nay là trụ sở bộ Khoa học và Công nghệ) 
Được thiết kế theo phong cách Art Deco nhưng bố cục của toà nhà lại theo phong cách đối xứng nghiêm ngặt, cách tổ chức mặt đứng cũng vẫn còn chịu ảnh hưởng của Tân Cổ điển với phần tầng 1 chắc đậm với lượng mở cửa rất nhỏ, phía trên là hàng cột vượt qua hai tầng đỡ lấy tầng mái với hàng cửa thông gió được trang trí bằng thép cuốn và kết thúc bởi một sê nô rộng trang trí rất tinh tế bằng hàng gạch gốm chạy phía dưới.
Mặc dù còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của phong cách Tân Cổ điển nhưng toàn bộ toà nhà vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ, khoẻ khoắn theo phong cách Art Deco. Những nét hình học kinh điển được sử dụng triệt để cùng với lượng cửa sổ mở rất lớn tạo cho công trình dáng vẻ hiện đại. Những vấn đề của kiến trúc nhiệt đới cũng được lưu tâm thoả đáng với tầng cách nhiệt mái cao tới 2,1m có cửa mở ra các phía, toàn bộ cửa sổ đều có cấu tạo che nắng di động theo cả trục ngang lẫn trục đứng, một điều hiếm thấy ở kiến trúc Hà Nội cho đến tận ngày nay. Với ưu thế về mặt vị trí, với những thành công trong sử lý bố cục không gian, hình khối và mặt đứng, toà nhà trụ sở hãng AVIAT có thể được coi là một đại diện lớn của kiến trúc Art Deco ở Hà Nội.
Năm 1930, một bệnh viện lớn được xây dựng ở Hà Nội theo mô hình Bệnh viện - Đại học ở Pháp (Centre Hospitalier Universitaire), bệnh viện René Robin. Bố cục tổng mặt bằng theo dạng phân tán, các toà nhà chính của bệnh viện được bố trí gần đăng đối theo trục trung tâm. Nhà hành chính 2 tầng được bố trí chính giữa. Các khối điều trị được bố trí ở 3 phía của toà nhà này, gồm khối các phòng khám và điều trị chuyên khoa bên trái, khối phòng điều trị ngoại khoa bên phải và khối điều trị nội khoa bố trí phía sau nhà hành chính tạo thành một tam giác cân. Các khối điều trị được tạo thành bởi 4 dãy nhà theo trục dọc và một dãy nhà theo trục ngang theo hình răng lược, bên cạnh các phòng khám, điều trị, trong mỗi khối đều có một giảng đường. Dọc theo trục chính phía sau khối điều trị nội khoa là một giảng đường lớn và các phòng xét nghiệm. Kết thúc trục này là một khối phòng mổ hình tròn 2 tầng: Tầng 1 gồm các phòng tiểu phẫu và một phòng đại phẫu được bố trí ở trung tâm, phía trên là các ô kính hình tròn để sinh viên có thể quan sát từ tấng 2. Tầng 2 bố trí hai giảng đường 100 chỗ và một số phòng ở cho sinh viên nội trú. Tuy nhiên do điều kiện chiến tranh, khối này chưa kịp hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Nối giữa các khối là hệ thống hành lang cầu rộng rãi cho phép đi lại và vận chuyển bệnh nhân một cách dễ dàng.

Ảnh 6: Bệnh viện René Robin (nay là bệnh viện Bạch Mai) 
Đây là một tổng thể kiến trúc theo phong cách Art Deco được xây dựng trên diện tích khá lớn và theo mô hình phân tán duy nhất của Hà nội lúc bấy giờ. Các khối nhà đều có sảnh vào riêng được bố cục theo dạng hành lang giữa kết hợp hành lang bên. Phong cách kiến trúc giản dị toát lên vẻ hiện đại của công trình. Tuy nhiên tác động của khí hậu nhiệt đới cũng đã được tác giả tính đến với hệ mái cách nhiệt hai lớp, phía trên cửa sổ đều có kết cấu che nắng ngang, đặc biệt khối bệnh phòng được bao bọc bởi hệ ban công, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của bệnh nhân vừa tạo ra một không gian đệm cho khối phòng này. 
Một điểm nhấn kiến trúc đáng lưu ý là khối nhà mổ chính có cấu trúc không gian hình tròn kiểu tán xạ với hành lang rộng tới 3,9m bao quanh hệ thống phòng mổ đặt ở trung tâm. Hệ thống cửa kính lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được bố trí theo kiểu nhịp ba rộng rãi, ngoài ra còn có hệ thống lấy ánh sáng từ phía trên bằng các ô kính hình tròn cho phòng mổ trung tâm. Mái được kết thúc bằng một dãy lan can với những hình trang trí nhẹ nhàng. Hệ thống hành lang cầu được cấu trúc theo kiểu cuốn vòm liên tục kết hợp với hệ cột đứng cũng là một nét đẹp riêng của công trình này.
Trên đây là việc điểm lại 5 công trình mà chúng tôi coi là tiêu biểu cho kiến trúc công cộng Art Deco ở Hà Nội, ngoài ra còn khá nhiều những công trình khác cũng có những thành công nhất định và góp phần đáng kể vào bộ mặt kiến trúc khu vực trung tâm Thủ đô. Khảo sát tại hiện trường của chúng tôi 1 cho thấy các công trình  Art Deco không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn đem lại những bài học về các giải pháp đáp ứng khí hậu nhiệt đới.  Tuy nhiên, do không được đánh giá đúng mức trong giai đoạn trước đây nên một số công trình đã bị dỡ bỏ một cách đáng tiếc như nhà hàng Godard (sau này là Bách hoá tổng hợp), hay bị cải tạo đến mức biến dạng hoàn toàn như khách sạn Splendide (khách sạn Hoà Bình ngày nay).
Trong cơn lốc “cao ốc hóa” khu vực trung tâm Hà Nội đang diễn ra hiện nay, nếu các cơ quan chức năng của Hà Nội không đưa ra được một chính sách bảo tồn hợp lý thì những công trình Art Deco danh tiếng một thời vẫn có thể bị phá bỏ để nhường chỗ cho các cao ốc thương mại hoặc chí ít cũng bị nhấn chìm trong rừng cao ốc xung quanh. Thật tiếc lắm thay!
Bài : Trần Quốc Bảo - Ảnh : Trần Quốc Bảo, Đào Thái Hà

Kiến trúc trường học phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội

Trong thời kỳ tiến hành Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, đặc biệt từ 1920, năm mở đầu cho Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương, rất nhiều người Pháp mang theo cả gia đình sang Hà Nội làm ăn, sinh sống. Nhu cầu học hành cho con em của họ dẫn tới việc xây dựng một loạt trường học dành cho học sinh người Pháp. Mở đầu là trường Grand Lycée Albert Saraut, tiếp đến là các trường Petit Lycée và trường Nữ học Pháp. Vì là các trường dành riêng cho con em người Pháp nên các nhà đầu tư cũng muốn đưa phong cách kiến trúc Địa phương Pháp vào việc xây dựng các ngôi trường này để thoả mãn tâm lý nhớ quê hương của những học sinh mới sang Việt Nam.

Ảnh 1: Trường Grand Lycée (Ảnh chụp đầu thế kỷ 20). Nguồn: myhanoigroup.com 
Phong cách kiến trúc Địa phương Pháp của các trường học đầu tiên giành cho học sinh người Pháp gây ấn tượng mạnh đến mức mà sau đó, các trường học dành cho học sinh người Việt như các trường Lycée du Protectat, École Normale Supérieur Đỗ Hữu vị, Collège Henri Russier… đều được xây dựng theo phong cách kiến trúc Địa phương Pháp.
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì hầu hết các trường học ở Hà Nội xây dựng dưới thời kỳ Pháp thuộc mang phong cách kiến trúc Địa phương Pháp. Chúng tôi cũng chưa phát hiện ra một công trình công cộng nào lớn mang chức năng khác được thiết kế theo phong cách này.
Trường Grand Lycée Albert Saraut (nay là trụ sở Ban Đối ngoại trung ương Đảng trên phố Hoàng Văn Thụ) có thể coi là trường học bậc phổ thông lớn nhất được xây dựng ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, nhưng vì một số lý do chúng tôi chưa khảo sát được (Ảnh 1). Dưới đây là một số trường mà chúng tôi coi là tiêu biểu và có giá trị về mặt kiến trúc ở Hà Nội.
Trường Petit Lycée (trường PTTH Trần Phú ngày nay) được xây dựng cùng thời gian với trường Grand Lycée, tạo thành một cặp trường học theo mô hình các đô thị lớn ở Pháp, trong đó trường Petit Lycée dành cho học sinh các lớp thấp trong khối trung học thời bấy giờ.

Ảnh 2: Trường Petit Lycée
- Hình vẽ: Phạm Duy Tùng  
Trường được xây dựng trên khu đất rộng, án ngữ bởi ba đường phố, trong đó có hai trục phố lớn lúc bấy giờ là các phố Rollandes (phố Hai Bà Trưng) và phố Rialan (phố Phan Chu Trinh). Tổng thể trường học gồm hai khối nhà: khối nhà học hai tầng hướng ra phố Rollandes, khối xưởng trường và các phòng thí nghiệm mọt tầng cách khối nhà học một khoảng sân rộng có hành lang cầu nối giữa chúng.
Nhà học chính hình chữ U gồm hai tầng, có hành lang cầu mái ngói đón từ cổng trường dẫn vào chính sảnh. Nhà được cấu trúc theo kiểu hai hành lang bên phía trước và phía sau, mỗi hành lang rộng 2m có hệ thống cửa sổ hành lang bao gồm cửa kính trong chớp ngoài. Cấu trúc mặt bằng theo kiểu đối xứng hoàn toàn. Tầng một có khu vực trung tâm là khối văn phòng và phòng nghỉ giáo viên, các phòng học được bố trí ở hai phía, mỗi phía gồm 4 lớp học dọc theo hành lang và một lớp được bố trí ở cánh chữ U, các phòng vệ sinh được bố trí ở hai đầu hồi có hệ thống cửa lấy sáng theo phương đứng. Ngăn cách giữa khối phòng học và khối văn phòng là hai cầu thang rộng 1,2m dẫn lên tầng hai. Khu vực trung tâm tầng 2 được bố trí các phòng làm việc, phòng hội đồng, các phòng học cũng được bố trí ở hai phía tương tự tầng 1, sàn phòng học bằng gỗ lim có tầng cách âm, ngoài ra còn có một cầu thang cuốn dẫn lên tầng 3, thực chất chỉ là một tầng chống nóng cho khu vực trung tâm nên khá thấp và có các cửa thông gió chèn gạch hoa ở các phía.
Hình khối không gian của khối nhà học được bố trí theo dạng đăng đối nghiêm ngặt với khối nhà hình chữ U có hai cánh bao lấy sân trước. Khối trung tâm được nhấn mạnh bởi chiều cao nổi trội với tháp đồng hồ ở giữa, các cửa sổ dạng cuốn vòm với bán kính cong nhỏ dần theo phương đứng, dãy cửa thông gió trang trí bằng gạch hoa kết hợp với hàng công son bằng gỗ tiện đõ bờ mái làm tăng thêm vẻ kỳ thú của toà nhà, tháp đồng hồ được trang trí cầu kỳ tạo ra điểm nhấn cho khối trung tâm. Các khối phòng học ở hai phía có phong cách trang trí thống nhất với khối trung tâm nhưng có độ cao thấp hơn, cửa sổ cuốn vòm với bán kính nhỏ dần theo chiều đứng, mái được đưa ra khỏi tường khá nhiều và được đõ bởi hệ công son gỗ, các chi tiết trang trí bằng gạch trần tuy không cầu kỳ nhưng có tính thẩm mỹ cao.
Mặc dù mang phong cách kiến trúc Địa phương Pháp, nhưng các kiến trúc sư - tác giả toà nhà đã có những biến đổi về mặt bằng - không gian cho phù hợp điều kiện khí hậu nhiệt đới Hà Nội với kiểu bố cục hành lang rộng có cửa sổ bao quanh các lớp học làm cho các phòng học luôn thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Tầng áp mái với hàng cửa thông gió trang trí bằng gạch hoa vừa có tính cách nhiệt tốt, vừa mang lại tính thẩm mỹ cao cho toà nhà. Nhìn chung thì đây là công trình công cộng phong cách Địa phương Pháp hầu như duy nhất ở Hà Nội, có “bóng dáng” nhiệt đới hoá, lại được nằm trong hệ thống cây xanh đặc trưng Hà Nội nên tạo ra cảm giác gần gũi với môi trường đô thị Thủ đô (Ảnh 2).
Trường Nữ học Pháp (nay là trụ sở Bộ Tư pháp) được xây dựng khoảng cuối những năm 1920 trên đường Gallieni (phố Trần Phú) và được giới hạn bởi các phố Brière de l’Isle (đường Hùng Vương) và Van Vollenhoven (phố Chu Văn An). Về qui mô xây dựng thì đây là trường phổ thông lớn thứ hai ở Hà Nội, chỉ sau Lycée Albert Saraut, và được dành riêng cho các nữ học sinh người Pháp.

Ảnh 3: Trường Nữ học Pháp 

Trên mặt bàng tổng thể thì trường được hợp thành bởi khối nhà học chính ba tầng ở trung tâm, hai nhà điều hành được xây dựng giống như hai biệt thự ở hai phía của nhà chính theo qui luật đăng đối. Sân trường và các khu sinh hoạt ngoài trời bố trí phía sau.
Nhà học chính có ba tầng, tầng một bao gồm một chính sảnh rất rộng phù hợp với công năng đón / thoát người của một trường học lớn. Từ chính sảnh có thể theo hai hành lang bên rộng 1,8m tới các lớp học ở hai phía, cuối các hành lang là sảnh nhỏ dùng để thoát người có bố trí cầu thang phụ được chiếu sáng bởi các cửa kính lớn ở đầu hồi nhà và khu vệ sinh. Từ sảnh chính cũng có thể lên tầng hai bằng một cầu thang lớn hình chữ T rộng tới 3,2m. Tầng hai gồm phòng nghỉ giáo viên ở giữa và 12 lớp học được bố trí ở hai phía, các lớp học được bố trí ở một phía hành lang phía sau toà nhà và nhìn ra sân chơi. Tầng ba chỉ có ở khu trung tâm và có lẽ chỉ mang yếu tố thẩm mỹ cho mặt đứng chứ không có chức năng gì đặt biệt.
Về mặt tổ hợp hình khối không gian kiến trúc thì toà nhà được bố cục theo phong cách đối xứng hoàn toàn với khối trung tâm cao ba tầng nổi bật ở giữa. Khối nhà này được trang trí khá cầu kỳ với lượng mở cửa nhỏ dần theo chiều cao, các cửa cũng được kết thúc theo qui luật cuốn vòm bán kính nhỏ dần theo phương đứng. Các họa tiết trang trí ở phần tiền sảnh, xung quanh các cửa và giữa các tầng được gia công rất tinh tế. Mái ngói bốn mặt tạo ra một đỉnh nhọn, được cấu tạo nhô ra khỏi mặt tường một khoảng cách khá lớn và được đỡ bởi một hệ công son gỗ hình tam giác mảnh. Tháp đồng hồ nhỏ cắt giữa mái mang tinh thần kiến trúc cổ điển tạo ra nét duyên dáng và độc đáo của công trình này. Hai khối phòng học bên cao hai tầng với mặt đứng được tạo thành bởi các cửa sổ phòng học kết thúc theo chiều ngang ở tầng một và cuốn vòm ở tầng hai. Các hoạ tiết quanh cửa được bố trí khá cầu kỳ và thống nhất với khối trung tâm. Mái ngói cũng được đưa ra khỏi mặt tường một khoảng cảnh lớn và được đỡ bởi hệ công son kép. Đầu hồi nhà được kết thúc bởi hệ thống cửa lấy sáng cho cầu thang theo kiểu giật cấp khá độc đáo.

Trường Nữ học Pháp - Hình vẽ: Phạm Duy Tùng  
Đối xứng qua trục chính của nhà học là ngôi nhà kiểu biệt thự hai tầng giống nhau hoàn toàn với cấu trúc hành lang giữa rộng 1,8m, hai bên là các phòng làm việc, giao thông theo chiều đứng được đảm nhiệm bởi một cầu thang bố trí phía đầu hồi nhà. Để hài hoà với nhà học chính, kiến trúc của hai biệt thự này cũng có một khối nhô lên ở giữa, tiền sảnh nhô ra tạo thành một hiên nhỏ, tường và cửa được trang trí theo cùng mẫu hình với nhà chính, mái ngói vươn ra khỏi tường và được đỡ bởi hệ công son gỗ đặc biệt cầu kỳ ở khối giữa. Nét duyên dáng riêng của hai biệt thự này là có nhiều ban công trang trí bằng hệ con tiện nhô ra ở cả bốn phía.
Với tỷ lệ hình khối độc đáo, phương cách tổ chức mặt đứng hài hoà, các hoạ tiết trang trí có tính thẩm mỹ cao, trường Nữ học Pháp có thể được coi là trường học đẹp nhất ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc này (Ảnh 3).
Trường Lycée du Protectorat còn gọi là trường Bưởi (trường PTTH Chu Văn An ngày nay) bắt đầu hoàn thành từ năm 1908, ban đầu chỉ là trường Collège du Protectorat (Tương đương trường trung học cơ sở hiện nay) và được nâng cấp thành trường Lycée (Trung học phổ thông) vào năm 1931.

Ảnh 4: Trường Collège du Protectorat

Khác với các trường trung học xây dành cho học sinh người Pháp được xây dựng theo kiểu tập trung ở các khu vực trung tâm thành phố, trường dành cho học sinh người Việt được xây dựng theo kiểu phân tán ở khu vực ngoại vi Hà Nội lúc bấy giờ thuộc địa phận làng Thụy Khuê (phố Thụy Khuê ngày nay). Trong khuôn viên nhà trường có tới 3 nhà học, 2 nhà thí nghiệm và xưởng trường, một nhà điều hành và một biệt thự cho giám đốc trường (*) được xây dựng trong các thời kỳ khác nhau.
Hai nhà học xây dựng những năm đầu thế kỷ 20 là các tòa nhà 3 tầng, hành lang bên rộng 2,5m, hành lang tầng 1 kiểu cuốn vòm mở ra bên ngoài, hành lang tầng 2 và 3 có hệ thống cửa sổ hành lang hai lớp kính - chớp. Liên hệ giữa các tầng là một cầu thang trung tâm rộng 1,2m, hai phía bố trí các phòng học, đầu hồi là khu vệ sinh. Hình khối không gian của hai tòa nhà cũng rất đơn giản, các cuốn vòm ở tầng 1 và các hệ thống cửa sổ tầng 2 và 3 gần giống nhau hoàn toàn trên bộ chiều dài nhà, không có bất kỳ sự nhấn mạnh nào ở khu vực trung tâm. Hình thức trang trí đơn giản, mái ngói với hệ thống sê nô thoát nước bằng tôn làm cho hình thức các tòa nhà này tương đối nhàm chán.
Tòa nhà học thứ ba cũng cao 3 tầng xây dựng khoảng những năm 1920, phong cách bố trí mặt bằng giống như hai tòa đã xây trước đó. Tuy nhiên trong việc tổ hợp hình khối kiến trúc và trang trí thì ở tòa nhà này đã có sự nâng cấp. Bên cạnh các cuốn vòm ở tầng 1 và hệ thống cửa sổ các tầng trên đã được thêm vào một số yếu tố trang trí trang nhã hơn, đặc biệt là hệ thống sê nô bê tông cốt thép mở rộng phía dưới lớp mái ngói được đỡ bởi hàng công son uốn cong làm cho tòa nhà trở nên uy nghi hơn. Nhìn chung thì đây là kiến trúc có giá trị duy nhất trong ba tòa nhà học của trường.

Ảnh 5: Nhà điều hành trường Lycée du Protectorat 
 
Hai nhà thí nghiệm và xưởng trường một tầng nằm đối diện với các nhà học qua sân trường, được xây dựng khoản đầu những năm 1920. Mặt nằng bố trí theo kiểu hành lang bên có cửa sổ rộng 2,0m, ở giữa là các phòng thí nghiệm rộng rãi, hai đầu bố trí các phòng chuẩn bị và kho dụng cụ. Mặc dù chỉ là công trình phụ trợ, có độ cao khiêm tốn so với nhà học nhưng hai nhà thí nghiệm lại được thiết kế khá đẹp. Hệ thống cửa sổ và cửa đi kiểu cuốn vòm với các chi tiết trang trí bằng gạch trần và đắp vữa khá bắt mắt. Đầu hồi xử lý kiểu giật cấp với hệ cửa sổ theo phương đứng. Mái đua ra khỏi tường khá rộng và được đỡ bởi hệ công xon gõ tiện dạng kép trang trí công phu.
Khối văn phòng nhà trường được bố trí trong một ngôi nhà hai tầng kiểu biệt thự hành lang giữa, hai phía là các phòng làm việc, cầu thang và khu vệ sinh bố trí ở đầu hồi. Hình khối kiến trúc ngôi nhà khá đẹp do kiểu bố trí mặt bằng giật cấp tạo ra các khối trên mặt đứng. Cửa sổ và cửa đi được kết thúc bởi các cuốn vòm kết hợp với các họa tiết trang trí đơn giản nhưng trang nhã. Mái ngói có độ dốc vừa phải với khối thang nhô cao tạo điểm nhấn cho ngôi nhà. 
Có thể nói trường Lycée du Protectorat là một điển hình cho dạng trường học cấu trúc phân tán ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc. Hai tòa nhà học xây dựng giai đoạn đầu có chất lượng thẩm mỹ không cao, nhưng các khối nhà xây dựng sau đó thì khá đẹp. Sự kết hợp giữa các tòa nhà và khối cây xanh trong sân trường tạo ra một tổng thể kiến trúc hài hòa mang đậm chất “ học đường” mà các trường dành cho học sinh người Pháp không có được (Ảnh 4,5).
Trường École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị (trường THPT Phan Đình Phùng ngày nay) thành lập năm 1923 là một trường học lớn thời bấy giờ, về tầm vóc có thể so sánh với trường Bưởi, trường Đồng Khánh (trường THCS Trưng Vương ngày nay) và đều là những trường dành cho học sinh người Việt.

Ảnh 6: Trường École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị 

Trường nằm trên một khuôn viên rộng rãi được giới hạn bởi các phố Carnot (phố Phan Đình Phùng), Đỗ Hữu Vị (phố Cửa Bắc) và Grand Bouddha (Phố Quán Thánh). Nhà học chính là một tòa nhà ba tầng bố cục gần đăng đối. Mặt bằng các tầng bố trí như nhau theo kiểu hàng lang bên rộng 2,5m bao gồm cầu thang chính bằng gỗ rộng ở giữa, mỗi bên bố trí bốn lớp học, đầu hồi phía bên trái là khu vệ sinh, hồi phải bố trí thang phụ. Hình thức kiến trúc của tòa nhà gần giống với kiểu kiến trúc tòa nhà học xây những năm 1920 ở trường Bưởi nên cũng khá đẹp. Hàng lang tầng một được mở rộng ra sân trường bởi hành lang cuốn vòm trang trí khá cấu kỳ, hành lang các tầng 2 và 3 có cửa sổ hai lớp. Hình thức trang trí mặt đứng tương đối phong phú bao gồm các mô típ trang trí bằng vữa đắp kết hợp với cách trang trí bằng gạch trần phía trên cửa sổ tầng 3 kết hợp với hệ sê nô bê tông mở rộng tạo ra sự kết thúc rõ rệt của tòa nhà theo phương đứng. Nhà thí nghiệm và xưởng trường nằm vuông góc và được nối với nhà học bởi một hành lang cầu mái ngói. Đây là một ngôi nhà được cấu trúc khá độc đáo với hành lang bên rộng 2,0m quay vào sân trường có cửa sổ hai lớp, giữa hành lang và không gian bên trong chỉ được phân định tương đối bằng những cuốn vòm, mặt đứng quay ra phố Đỗ Hữu Vị được trang trí bằng hệ thống cửa sổ cao và các công xon gõ đỡ mái ngói khá đẹp nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng.
Khối nhà văn phòng của trường được bố trí trong một biệt thự hai tầng quay ra phố Carnot. Đây thực chất là một nhà làm việc kiểu hành lang giữa xây dựng theo phong cách biệt thực địa phương Pháp khá xinh xắn nhưng cũng đã bị xuống cấp nặng nề và hiện đang trong quá trình tu bổ. 
Cũng giống như trường Bưởi, École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị là một ngôi trường xây dựng theo kiểu phân tán trong một khuôn viên cây xanh rất rộng. Tuy nhiên khuôn viên nhà trường ngày nay đã bị thu hẹp, lại có nhiều nhà học mới xây chen vào nên giá trị về mặt kiến trúc tổng thể bị giảm đi đáng kể (Ảnh 6).
Nhận xét
- Kiến trúc các công trình công cộng phong cách địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu được thể hiện ở thể loại công trình trường học. Ban đầu là các trường dành cho học sinh người Pháp nên chúng được xây dựng theo phong cách Địa phương Pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm lý nhớ quê hương của học sinh. Sau đó thì các trường học xây dành cho học sinh người Việt cũng chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc này.
- Kiến trúc trường học phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội chủ yếu ảnh hướng bởi kiến trúc miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp với hệ thống các họa tiết trang trí trên mặt đứng có sự kết hợp với kiến trúc miền Trung nước Pháp chủ yếu thông qua bộ mái.
- Kiến trúc trường học phong cách Địa phương Pháp có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm các trường dành cho học sinh người Pháp như Grand Lyceé, Petit Lyceé, trường Nữ học Pháp mang tính hợp khối cao, nhà học chính đồ sộ và được cấu tạo đầy đủ các bộ phận như chính sảnh, các phòng nghỉ giáo viên… Nhóm các trường dành cho học sinh người Việt như trường Bưởi, trường Đỗ Hữu Vị, trường Henri Russier được thiết kế theo kiểu phân tán với các khối nhà học và các thí nghiệm được thiết kế tương đối đơn giản, công năng không đầy đủ, nhưng lại được xây dựng trong những khuôn viên cây xanh rộng nên tạo ra được những tổng thể trường học mang tính “sư phạm” hơn. 

Kết luận
- Các công trình kiến trúc phong cách Địa phương Pháp là một bộ phận không thể tách rời  trong di sản kiến trúc Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc.
- Kiến trúc phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội mặc dù mang đặc tính của kiến trúc các vùng miền khác nhau của nước Pháp, xong khi được xây dựng trong môi trường cảnh quan Hà Nội đã có những biến đổi nhất định và góp phần quan trọng vào bộ mặt kiến trúc một số khu vực nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu trung tâm quận Ba Đình, nơi có nhiều trường học được bảo quản và duy tu tương đối tốt.
- Do chưa được đánh giá một cách đầy đủ và thận trọng nên một số công trình đã bị phá bỏ một cách đáng tiếc như tòa nhà học trường Collège Henri Russier (trường PTCS Nguyễn Công Trứ ngày nay) trên phố Nguyễn Trường Tộ, hay bị thu hẹp diện tích, để xuống cấp một số nhà đã có và đưa vào những công trình xây dựng dạng nhái Pháp cổ, hoàn toàn xa lạ về mặt phong cách với công trình kiến trúc Địa phương Pháp chủ đạo làm giảm đáng kể giá trị không gian kiến trúc tổng  như trường THPT Phan Đình Phùng trên phố Cửa Bắc.
- Việc cải tạo các công trình kiến trúc phong cách Địa phương Pháp cho phù hợp với điều kiện sử dụng mới là cần thiết, xong khi đặt ra phương án cải tạo, các kiến trúc sư cần nắm vững đặc tính cơ bản của phong cách kiến trúc này để tránh việc phá vỡ không gian tổng thể hoặc đặc tính kiến trúc của những công trình này.
  • CHÚ THÍCH
(*) Biệt thự của viên Đốc học là dạng nhà ở được xây dựng theo phong cách tân cổ điển kiểu đế chế mang tính chiết trung nên chúng tôi không đề cập đến trong bài báo  này.
- Ảnh trong bài : KTS Trần Quốc Bảo 
  • TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Đặng Thái Hoàng: Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX. NXB Hà Nội, 1995
- F.Teronobu, Phạm Đình Việt và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. NXB Xây dựng, 1997
- Hữu Ngọc, L. Borton: Kiến trúc Pháp ở Hà Nội. NXB Thế giới
- Nguyễn Đình Toàn: Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hoá bản địa trong kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, 1997
- Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông: Thăng Long – Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hoá. NXB Xây dựng, 2004
- Trần Huy Liệu: Lịch sử thủ đô Hà Nội. NXB Hà Nội, 2000.
Tiếng Pháp
- C. Pédelahore : Hanoi, le miroir de l’architecture indochinoise. Grase, 1982 
- C. Pédelahore : Les éléments constitutifs de la ville de Hanoi. Grase, 1982
- L. G. Pineau : Urbanisme en Indochine. Hanoi, 1943

Phong cách kiến trúc Đông Dương - những tìm tòi đầu tiên theo hướng hiện đại và dân tộc

Sau khi ổn định tương đối chế độ thực dân của mình ở Việt Nam, từ năm 1887 người Pháp bắt đầu tiến hành chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất. Đây cũng là thời gian mà nhiều đô thị lớn nước ta bắt đầu được mở rộng và qui hoạch lạitheo những nguyên tắc và quan niệm về đô thị thịnh hành ở Pháp lúc bấy giờ.
Các công trình kiến trúc chủ đạo được xây dựng ở Hà Nội, Hải Phòng hay Sài Gòn đều mang tinh thần của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ 19. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nhận xét Hà Nội giống như một Paris thu nhỏ. Có thể kể ra đây một số công trình tiêu biểu theo xu hướng này, ở Hà Nội như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống sứ, Toà án Hà Nội, Viện Radium, Nhà hát lớn... ở Sài Gòn có toà Đốc lý, Nhà hát lớn, Toà Pháp đình...

Bản thiết kế mặt tiền công trình Đại học Đông Dương
Từ sau thập kỉ 20, chương trình khai thác thuộc địa Đông Phương lần thứ hai bắt đầu và cũng được tiến hành ồ ạt hơn ở giai đoạn trước nhiều. Phong cách kiến túc cổ điển Pháp mất dần vị trí độc tôn: Một mặt là sự xâm nhập của trào lưu kiến trúc hiện đại Pháp vào Việt Nam, mặt khác là sự xuất hiện của những xu hướng tìm tòi, kết hợp khai thác kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự hình thành một phong cách mới, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hoá Pháp với truyền thống văn hoá và kiến trúc bản địa là xu hướng tất yếu. Bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng thấy được sự áp đặt những giá trị văn hoá từ chính quốc vào một đất nước cũng vốn có truyền thống văn hoá lâu đờilà không thể chấp nhận được. Hơn nữa, sau một thời gian khai thác các công trình mang phong cách thuần tuý châu Âu cho thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam.
Từ giữa thập kỷ 20, một loạt công trình kiến trúc theo phong cách kết hợp được khởi công xây dựng. Kiến trúc sư hàng đầu của phong cách kiến trúc này – sau này được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương là Ernest Hébrard, một kiến trúc sư người Pháp khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông đã làm việc nhiều năm ở Đông Dương, say mê văn hoá truyền thống bản địa, tác giả của các phương án qui hoạch Hà Nội và Đà Lạt.
Tác phẩm đầu tiên theo phong cách kiến trúc Đông Dương do Hébrard thiết kế là toà nhà chính Đại học Đông Dương (1923 – 1925). Toạ lạc ở một vị trí khá đẹp đầu đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), xế phía trước lại có một vườn hoa nhỏ, công trình đã tạo ra một điểm nhấn đô thị mặc dù qui mô không lớn (Ảnh 1).

Ảnh 1: Đại học Đông Dương (Ảnh chụp đầu thế kỷ 20)

Được thiết kế từ bên Pháp, khi mang sang thi công ở Việt Nam có một số thay đổi nhỏ nên công trình vẫn mang nhiều nét kinh viện châu Âu. Cấu trúc không gian đói xứng hoàn toàn, mặt bằng đơn giản theo phong cách chính thống, nhấn mạnh khối sảnh và cầu thang trung tâm, hai bên là giảng đường và thư viện bố trí trên hai tầng. Tác giả đã đưa vào công trình khá nhiều lớp mái kiểu Á Đông kể cả lớp mái giả ở khối trung tâm, cửa sổ các phòng được che bởi những ô văng chéo gắn ngói ta. Toà nhà còn được trang trí bởi rất nhiều chi tiết trang trí kiểu con triện cùng hình thức trồng rường giả gỗ.
Đây là thể nghiệm đầu tiên của Hébrard theo phong cách Đông Dương nên theo chúng tôi, tác giả chưa mấy thành công trong việc kết hợp nhuần nhuyễn những bộ mái, những chi tiết kiến trúc truyền thống bản địa vào một công trình mang đậm dấu ấn cổ điển kinh viện kiểu châu Âu.
Năm 1925, một công trình nữa theo phong cách kiến trúc Đông Dương được khởi công, đó là Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao - Ảnh 2). Nằm trong bối cảnh trung tâm hành chính - chính trị Đông Dương theo phương án qui hoạch của Hébrard; toà nhà là điểm kết thúc trục đường Chu Văn An, đồng thời nằm giữa trục tam giác cân tạo bởi các đường Điện Biên Phủ, Tôn Thất Đạm, Bắc Sơn; đây là công trình duy nhất của Hébrard được xây dựng theo qui hoạch này.

Ảnh 2: Trụ sở Bộ Ngoại giao (trước đây là Sở Tài chính Đông Dương)
Toà nhà có mặt bằng đăng đối, hình chữ I, phía quay ra phố Chu Văn An là khối nhà làm việc, hành lang giữa, phía đường Bắc Sơn là khối lưu trữ kiểu xuyên phòng, giữa chúng là không gian sảnh  và cầu thang. Mặc dù về mặt tổ chức không gian chức năng hoàn toàn theo phong cách kinh điển của các toà nhà hành chính Pháp lúc bấy giờ, nhưng về mặt xử lý kiến trúc, tác giả đã khéo léo kết hợp với các hình thức kiến trúc phương Đông tạo ra những nét bay bổng, hài hoà với cảnh quan. Đáng chú ý nhất ở đây là cấu tạo bộ mái ngói với rất nhiều lớp mái lớn nhỏ cùng những ô văng dốc trên các cửa sổ. Hệ mái của công trình thực sự có ý nghĩa và che nắng chống chói và chống mưa hắt. Các lỗ thông hơi tổ chức trên sàn và sát trần bảo đảm thoát nhiệt tốt. Các chi tiết kiến trúc bản địa được xử lý nhuần nhuyễn, không còn đơn giản là một sự sao chép sống sượng.
Công trình là một thành công lớn của Hébrard trong ý đồ tạo ra một hình loại kiến trúc kết hợp, phù hợp với khí hậu nhiệt đới và cảnh quan khu vực. Tuy vậy, do hệ mái đã được tổ chức khá nhiều lớp, các ô văng dốc trên cửa lại bị chia cắt nên mặt đứng công trình còn khá rườm rà tạo ra ấn tượng nệ cổ.
Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử - ảnh 3) xây dựng trong những năm 1928-1932 cũng do kiến trúc sư Hébrand thiết kế là một thành công đầy ấn tượng của phong cách kiến trúc Đông Dương. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên chỉ gồm hai thành phần chính: Không gian sảnh hình bát giác và một phòng trưng bày lớn, tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Bên cạnh đó còn có một số không gian phù trợ tạo thành một tổng thể trưng bày khoáng đạt. Hệ thống mái chồng mái được tác giả sử dụng, đặc biệt trên khối sảnh bát giác và ở các không gian phù trợ khác cũng là yếu tố chủ đạo của hình thức kết hợp ở công trình này. Các cửa thông gió và lấy sáng được đặc biệt lưu ý, kết hợp với nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông được xử lý khéo léo. Hệ thống cây xanh được kéo từ vườn hoa phía trước vào sâu trong sân Bảo tàng làm cho công trình dường như mọc lên từ khối cây xanh nhiệt đới. Là một công trình văn hoá thuộc loại lớn lúc bấy giờ, khu sảnh bát giác mang nhiều tính hình thức của chú nghĩa biểu hiện là điều dễ thông cảm và tạo ra được ấn tượng tốt.

Ảnh 3: Bảo tàng Lịch sử (trước đây là Bảo tàng Louis Finot) 
Nhà thờ Cửa Bắc (1925-1930) được xây dựng trên khoảnh đất không mấy rộng rãi ở góc phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Biểu (Hà Nội). Khu đất trải dài theo phố Phan Đình Phùng, mà nguyên tắc xây dựng mặt bằng nhà thờ công giáo truyền thống phải theo hình chữ thập nên mặt chính công trình lại quay ra phố Nguyễn Biểu là phố tương đối nhỏ, không tạo được tầm nhìn rộng.
Mặt bằng nhà thờ chỉ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ, không dành cho các con chiên nghe giảng và kết thúc bởi không gian long trọng dành cho cha xứ hành lễ. Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian cánh là nơi thờ các thánh, bên trái là phòng tiếp khách của cha xứ. Không gian nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ châu Âu.
Thành công lớn nhất của Hébrard ở đây là ông đã tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam. Có tác giả đã cho rằng đây là sáng tạo đặc biệt của Hébrard nhằm tạo sự phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng thực chất điều này chỉ là sự khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục Hưng, chính nhờ vậy mà nhà thờ Cửa Bắc , ngoài gác chuông theo hình thức nhấn lệnh còn có một mái vòm ở khu vực trung tâm (*).
Hệ thống mái ngói được tác giả tổ chức kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ nhưng không còn quá dày đặc và cầu kỳ như ở bảo tàng Louis Finot hay Sở Tài chính. Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt, ngoại trừ các cửa trang trí - lấy sáng lớn được lắp kính cản quang.
Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ công giáo truyền thông, sự hài hoà của công trình với cảnh quan thiên nhiên tạo được ấn tượng về một công trình Thiên chúa giáo Việt Nam. Mặc dù ở một vị trí ít được chú ý nhà thờ Cửa Bắc (ảnh bên - 4) vẫn là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời Pháp thuộc.
Cũng vào năm 1930, một công trình nữa theo phong cách Đông Dương cũng được hoàn thành ở Hà Nội là viện Pasteur (nay là Viện vệ sinh dịch tễ) do kiến trúc sư Gaston Roger thiết kế. Mặt bằng công trình theo kiểu hành lang bên rộng, các phòng thí nghiệm và phòng làm việc chạy dọc phía nam hành lang.
Công trình cũng được xử lý về mặt kiến trúc nhằm tạo sự hài hoà với cảnh quan nhiệt đới bằng việc cấu tạo hệ mái dốc với nhiều lớp mái lớn nhỏ, chính phụ, cùng các lỗ thông gió, hơi giống với cách xử lý của Hébrard ở Sở tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao - ảnh 2). Tuy vậy phong cách sử lý mặt chính của tác giả thành công hơn và tránh được sự rườm rà của mặt đứng Sở Tài chính nhờ tỷ lệ mái ngói đưa vào vừa phải, ô văng dốc lợp ngói được tạo thành từng băng dài. Các ô cửa sổ tương đối lớn, ít sử dụng chi tiết trang trí, làm công trình mang dáng vẻ hiện đại và thoáng đãng hơn. Một chi tiết đáng lưu ý là tác giả đã đưa vào khối trung tâm trên mặt chính một gác chuông nhỏ, một yếu tố trang trí kiến trúc truyền thống phương Tây nhưng được xử lý khéo léo dưới lớp mái ngói kiểu phương Đông tạo ra một điểm nhấn thú vị.
Một đại diện lớn nữa của phong cách kiến trúc Đông Dương là kiến trúc sư Arthur Kruze. Ông đã thiết kế một loạt công trình kiểu biệt thự ở Hà Nội trong thời gian cuối những năm 1930 đầu 1940.
Công trình đầu tiên phải kể đến là khu nhà ở dành cho sĩ quan Pháp trên phố Lý Nam Đế (nay là toà soạn báo Văn nghệ Quân đội). Được xây dựng trên một mảnh đất khá hẹp và chạy dài theo mặt phố, Kruze đã sử dụng bố cục mặt bằng theo kiểu hành lang bên đối xứng hoàn toàn với 20 phòng nghủ tiện nghi cao bố trí trên hai tầng nhà.
Hình khối không gian và các chi tiết công trình được nghiên cứu rất công phu theo hướng bản địa hoá kiến trúc. Trước lối vào là một tiền sảnh nhỏ với hai cột tròn sơn đỏ đỡ mái sảnh lợp ngói ống, phía trên là khối thang nhô hẳn ra phía trước được trang trí cầu kỳ bằng các mảng tường hoa văn hình chữ triện cùng hệ mái mở rộng ở phía trên tạo điểm nhấn cho công trình.
Điểm đáng chú ý nhất của ngôi nhà là cách xử lý bộ mái theo hình thức dân tộc. Bộ mái của ngôi nhà gồm các chính, mái che hang hiên phía trước, mái sảnh và mái che các cửa sổ hướng tây. Các mái đều có độ vươn ra khá lớn, lợp ngói ống và được đữ bởi hệ con sơn giả gỗ đầu có hình chữ triện, góc mái uốn cong lên phía trên tạo thành các đầu đao theo hình thức mái Việt và được trang trí rất công phu.

Ảnh 5: Nhà số 4 Lý Nam Đế
Có thể nói ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế là một thể nghiệm thành công của A. Kruze theo hướng kết hợp các hình thức Á Đông vào một công trình có dây chuyền công năng theo kiểu Phương Tây. Ngôi nhà có tỷ lệ hài hoà, các bộ phận và chi tiết trang trí được sử dụng một cách có cân nhắc kết hợp với vườn cây xanh tạo ra một công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng rất có ấn tượng (Ảnh 5).
Công trình đáng chú ý nhất do A. Kruze thiết kế là Câu lạc bộ Thuỷ Quân xây dựng trong hai năm 1939-1940 (nay là trụ sở Uỷ ban TDTT trên phố Trần Phú). Công trình bao gồm hai biệt thự hai tầng cao cấp, mỗi biệt thự  đều có khối sinh hoạt  khối ngủ, khối vệ sinh, sân trời… Hai biệt thự này được đặt hoàn toàn đối xứng qua một khối nhà một tầng ở giữa là khu vực dành cho các sinh hoạt công cộng như ăn uống, khiêu vũ… Phía sau là khu phục vụ gồm cầu thang, bếp và nơi ở của nhân viên phục vụ.
Xử lý kiến trúc của công trình được tác giả nhấn mạnh tính chất kiến trúc Á Đông bằng hệ thống mái dốc lợp ngói ống cho cả ba khối công trình. Các góc mái đều được uốn cong kết thúc bằng đầu đao, đỉnh các ống khói cũng được xử lý phù hợp đường nét của mái. Bốn góc mái và hai đầu nóc trên mỗi biệt thự đều có gờ chữ triện, một điểm đáng lưu ý là tác giả đã đưa vào đây hệ máng nước bê tông cốt thép lẩn trong mái. Cửa sổ có gờ bo chung quanh, phía trên cũng cấu tạo ô văng dốc lợp ngói ống. Công trình được trang trí bởi khá nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông như ở lan can sân trời, các con sơn có hình chữ triện đỡ mái, một số mảng tường xây gạch trần…(Ảnh 6).

Ảnh 6: Trụ sở Uỷ ban TDTT  (trước đây là  Câu lạc bộ Thuỷ Quân Pháp) 
Các biệt thự khác do Kruze sáng tác được xây dựng ở các phố Lý Nam Đế, Ngọc Hà và Phan Bội Châu vào những năm 1939-1941 cũng có giải pháp tương tự Câu lạc bộ Thủy quân. Mặt bằng tạo dựng theo công năng của các biệt thự Pháp, phần xử lý kiến trúc mang nhiều tính chất Á Đông, tập trung chủ yếu ở việc xử lý hệ mái dốc. Những biệt thự này đều có những nét duyên dáng riêng, phù hợp với khí hậu và cảnh quan khu vực. Tuy vậy việc lạm dụng mái cong, ngói ống và nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông ít được các điệu hơn, nên mặc dù xây dựng sau các công trình của Hébrard và Roger, các biệt thự của Kruze trông lại có vẻ “cổ” hơn. Ngoài ra việc sử dụng quá nhiều những chi tiết kiến trúc Hoa-Việt (Sino-anamite) gây ra cảm tưởng công trình có thể được xây dựng đâu đó bên … Trung Quốc.
Những hoạt động của Arthur Kruze với tư cách là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có ảnh hưởng lớn tới những sáng tác hướng về dân tộc của lớp kiến trúc sư đầu đàn Việt Nam như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh… Chúng ta có thể thấy tác phẩm của các ông theo hướng tìm về với cội nguồn dân tộc ở các biệt thự gần khu vực hồ Thuyền Quang và một số phố khác ở Hà Nội.

Nhìn lại các công trình kiến trúc theo trường phái Đông Dương từ giữa thập kỷ 20 tới đầu thập kỷ 40 có thể giúp chúng ta có được một số nhận xét:
  • Việc tổ chức không gian chức năng được tác giả kiến tạo theo sát công năng sử dụng công trình theo quan niệm của người Pháp lúc bấy giờ.
  • Sử dụng các giải pháp kết cấu tiên tiến thoả mãu các yêu cầu tổ chức không gian lớn, nhiều tầng. Kết cấu bê tông cốt thép, dàn vì kèo thép… được sử dụng rộng rãi.
  • Những điều kiện về khí hậu và cảnh quan khu vực được đặc biệt lưu tâm giải quyết thông qua việc tổ chức hệ mái chống nóng, các ô văng dốc che nắng và chống mưa hắt, hệ thống cửa lấy áng sáng và thông gió tự nhiên. Cây xanh được tận dụng tối đa.
  • Vấn đề xử lý hình thức kiến trúc được các tác giả lưu tâm thoả đáng nhằm tạo cho công trình những dáng dấp, đường nét Á Đông, gần gũi với kiến trúc truyền thống bản địa.
Những tìm tòi sáng tạo của các kiến trúc sư theo phong cách kiến trúc Đông Dương đã có những đóng góp rất đáng trân trọng vào xu hướng sáng tác tìm về cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên đây đa phần là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và dành cho người Pháp sử dụng, nên chưa thể đề cập đến bản chất văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam, những vấn đề mà theo chúng tôi là cốt lõi của một nền kiến trúc dân tộc.

(*) Về nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục hưng có thể tham khảo kiến trúc nhà thờ chính toà Santa Maria del Fiore ở Florence do kiến trúc sư Phục hưng Italia nổi tiếng Brunelleschi Filippo (1377 – 1446) thiết kế.