Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

Những điều chưa biết về Chợ Bến Thành

Trên đường Lê Thánh Tôn của quận 1, liền sau số nhà 291 là số 293, như thể cái công trình kiến trúc rộng hơn 13 ngàn mét vuông nằm giữa hai số nhà trên không hề tồn tại. Vậy mà trong 150 năm qua, ngôi chợ này là biểu tượng sinh lực của thành phố kinh thương lớn nhất nước. Một vị thần gần trăm năm nay vẫn lặng lẽ ngự trong ngôi tháp đồng hồ ba mặt của chợ, độ trì bao thế hệ thương nhân vượt qua những thăng trầm của thế cuộc.
Hết cháy lại dời

Với hơn một thế hệ người Sài Gòn, chợ Bến Thành là anh Bảy Chà và quảng cáo cho kem Hynos, là tiếng rao inh ỏi của khô cá thiều, là bảng báo điện tử diệu kỳ chạy bằng bóng đèn, là cầu vượt ngất ngưởng bên trên công trường Diên Hồng, là mùi khô mắm muối càri dầu thơm vải vóc xanh đỏ tím vàng, là bao sắc màu âm thanh mùi vị trộn lẫn tạo nên trong ký ức một không gian hỗn tạp mà hừng hực nhựa sống của đất Sài Gòn.

Ảnh tư liệu

Chợ đã có trước khi người Pháp đến, nhưng khởi thuỷ nằm bên sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy (thành Gia Định), nên có tên Bến Thành. Chợ nhóm vào khoảng giữa, tính từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay (khi ấy còn là một con kênh).

Sau trận binh lửa của Lê Văn Khôi, thành Quy bị triệt hạ, phố chợ này cũng không còn sầm uất. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Không lâu sau đó, chợ Bến Thành bốc cháy. Chợ làm bằng vật liệu thô sơ, cột tre mái lá nên đã bị thiêu huỷ hoàn toàn. Một năm sau, Pháp cho xây lại chợ ở quãng giữa đường Nguyễn Huệ ngày nay.

Tháng 7.1870, chợ lại cháy, Toà đô chính Sài Gòn cấp một ngân khoản 70.000 quan để dựng lại chợ bằng sắt. Phố chợ thêm sầm uất vì là nơi trên bến dưới thuyền cho người lục tỉnh tới lui buôn bán. Trong bài Kỷ niệm lịch sử về Sài Gòn in trong tạp chí Excursions et Reconnaissances số 23 tháng 5 – 6 năm 1885, Trương Vĩnh Ký viết: “Cái chợ to nhất mà sự buôn bán nhộn nhịp nhất ở vào quãng từ cột cờ Thủ Ngữ đến tận đường Mac Mahon” (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

Tờ báo Lục tỉnh Tân văn thời đó cũng thuê hai căn phố lầu trong khu này để tiện giao dịch với độc giả và phóng viên từ các tỉnh. Năm 1887, con kênh trước chợ bị lấp biến thành đại lộ Charner, khu chợ càng đông đúc với đủ các gian hàng của người Hoa, người Ấn, người Pháp. Chợ càng sầm uất thì càng đáng lo ngại vì đã cũ kỹ, nên đến năm 1911 chính quyền thuộc địa Pháp quyết định dời chợ về vị trí hiện nay, khi ấy còn là một cái ao sình lầy có tên Bồ Rệt (Marais Boresse), gần ga xe lửa đi Mỹ Tho.

Chợ Bến Thành ngày nay


 
Chợ Bến Thành hoạt động liên tục trong 70 năm. Từ ngày 1 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1985, chợ Bến Thành được cải tạo và sữa chữa lớn.

* Địa chỉ: Cửa Nam (nằm giữa các đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang) - Phường Bến Thành - Quận 1

* Điện thoại: +84.8.8292096

* Diện tích: 13.056 m²

* Ngành hàng kinh doanh chủ yếu: Quần áo, vải sợi, giầy dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi.
Khuôn viên chợ được giới hạn bốn mặt: nam là Place Cuniac (quảng trường Quách Thị Trang ngày nay), mặt bắc là đường d’Espagne, đông là Viénot, tây là Schroeder. Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đổi tên các con đường này thành Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Chợ do nhà thầu Brossard et Maupin (tiền thân của hãng gạch bông Thanh Danh) khởi công từ năm 1912, đến cuối tháng 3.1914 thì hoàn tất, lễ khánh thành chợ diễn ra suốt ba ngày đêm từ 17h ngày 28, kéo dài đến 30.3, với hơn 100.000 người tham dự!

Đến năm 1970, dân số thành phố Sài Gòn đã lên tới 4 triệu, ngôi chợ trung tâm được xây từ đầu thế kỷ 20 coi như lỗi thời, hội đồng thành phố mở cuộc thi vẽ đồ án kiến trúc để xây một ngôi chợ mới thật khang trang. Trong tám đồ án gửi tới dự thi, đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng đoạt giải nhất. Vị kiến trúc sư này đã tận dụng toàn thể diện tích ngôi chợ cũ gồm phần phía trước, cũng như khu bán trái cây phía sau, và xây thành nhiều tầng, có hầm để xe.

Chợ Bến Thành” ở Richmond, Úc. Ảnh:TL ... và ở Little Saigon, Hoa Kỳ. Ảnh:TL

Phía trước nóc chợ vẫn có một ngôi tháp mang dáng cũ nhưng cao đến 50m, phần trên của tháp sẽ là nhà hàng và phòng trà mở cửa ngày đêm. Các tầng lầu càng lên cao càng được nới rộng. Đây là một lề lối kiến trúc táo bạo, cần một kinh phí lên tới trên 2 tỉ đồng tiền Sài Gòn khi ấy, vượt quá mức ngân sách để có thể thành hiện thực.

Mãi đến ngày 1.7.1985, chợ Bến Thành mới được cải tạo và sửa chữa lớn, nhưng giữ nguyên dáng vẻ phía trước cùng với tháp đồng hồ. Chợ sửa xong vào ngày 25.8 cùng năm. Đến năm 1992, chợ được cải tạo hệ thống điện, và thay sạp gỗ bằng sạp sắt. Năm 1999 chợ được sửa hệ thống thoát nước, thay toàn bộ mái ngói bằng tôn. Do phải tận dụng tối đa diện tích sử dụng để có thể chứa gần 1.500 sạp trong một ngôi chợ chỉ được thiết kế 400 sạp, yếu tố mở ngày xưa dần không còn, chợ cũng không giữ được hành lang thông thoáng xung quanh mà thay vào đó là những mái tôn giả ngói, che kính bốn bề. May mắn là chiếc tháp đồng hồ vẫn nguyên dạng, cùng với những phù điêu mang hình ảnh chỉ dẫn cho từng ngành hàng bán ở mỗi cửa chợ – hai gia sản bất khả xâm phạm của chợ Bến Thành.

Từ dạo sửa chợ đến nay, thi thoảng lại rộ lên tin xây mới chợ Bến Thành, hay biến chợ thành trung tâm thương mại. Những năm 1990 có một số phương án đầu tư của các công ty Ý, Thái Lan mà trong đó chợ Bến Thành được xây dựng thành một cao ốc hàng chục tầng. Gần đây nhất là hồi tháng 5.2008, công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (Tedi South) khi khoan lấy mẫu thăm dò địa chất chuẩn bị xây ga ngầm tuyến metro số 1 của TP.HCM tại hai cổng phía nam và tây chợ Bến Thành, đã làm tiểu thương ăn ngủ không yên. Không chỉ tiểu thương của chợ, cư dân thành phố và cả nước, thậm chí người Việt hải ngoại luôn tập trung nỗi lo của họ vào ngọn tháp đồng hồ đã trở thành hình ảnh biểu trưng của Sài Gòn, bởi mỗi chiếc đồng hồ ở đó từng đo những thời khắc lịch sử của thành phố phương Nam này.

Nhiều người Việt tha phương đã xây lên những ngôi tháp đồng hồ tương tự của chợ Bến Thành ở những thành phố lạnh lẽo mà họ lạc bước tới, hòng tìm thấy chút hơi ấm của quê nhà. Ước mơ của họ, đôi khi chỉ là được một lần trở về để rảo bước cho trọn 136m đường từ cửa nam ra cửa bắc, 96m từ cửa đông sang cửa tây của chợ Bến Thành, được thả hết ngũ quan va đập xô bồ với những gì chỉ có ở đất Việt...

Họ đâu biết rằng sẽ có lúc con cháu mình trở lại ngôi chợ này với cuốn guidebook “Hành tinh cô đơn” trên tay, hay lớ ngớ trong một đoàn du lịch được hướng dẫn bằng một thứ tiếng không phải là tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét